Đẹp và đủ với ánh sáng tự nhiênÁnh sáng là thành phần quan trọng trong công trình kiến trúc. Trước khi có chiếu sáng nhân tạo thì ánh sáng tự nhiên đã chiếm giữ vị thế độc tôn, ngày nay dẫu khoa học phát triển và ánh sáng nhân tạo lấn át, thì chúng ta vẫn không thể chối bỏ hiệu quả thẩm mỹ của ánh sáng tự nhiên đem lại. Ánh sáng tự nhiên vẫn được ưu tiên và vận dụng tối đa, như một yếu tố tạo nên nghệ thuật không gian. Đẹp và đủ là hai yếu tố mà bất cứ ai cũng muốn chế ngự được khi sử dụng ánh sáng tự nhiên làm chi tiết trang trí cho nhà mình. Thiếu sáng dĩ nhiên là điều không ai mong muốn nhưng thừa sáng cũng sẽ gây nhiều bất ổn khi đưa công trình vào vận hành. Vì vậy việc cân chỉnh ánh sáng tự nhiên trong không gian cần sự kết hợp của nhiều yếu tố: phương thức lấy sáng, hướng lấy sáng và vật liệu sử dụng. Về phương thức lấy sáng, có nhiều cách để khai thác ánh sáng: lấy sáng bên trên (dạng phổ biến nhất hay gặp là giếng trời, hoặc cửa sáng trên mái…), lấy sáng ở mặt bên (cửa sổ, các mảng kiếng cường lực thay thế cho tường…) hoặc hỗn hợp cả hai loại. Cách vận dụng giếng trời làm không gian bên trong nhà phố thoáng đãng và tươi mát, chỉ cần vài tiểu cảnh nhỏ khai thác không gian chung quanh và bên dưới mảng lấy sáng này là căn nhà sẽ bừng lên sức sống mới. Cách sử dụng tường – kiếng hay những khoảng mở, những ô cửa lấy sáng ở mặt bên như một điểm nhấn hiệu quả và ưa nhìn, không chỉ đem lại hiệu quả chiếu sáng cao mà còn kéo gần thiên nhiên bên ngoài vào trong nhà, đem lại cảm giác thư thái và êm ả. Khi vận dụng khéo léo những lối khai thác này, ánh sáng tự nhiên bỗng hóa thân thành người bạn thân thiết, không chỉ đem lại hiệu quả về công năng mà còn cấu thành nên mỹ quan trong căn nhà. Cũng có trường hợp để không gian trong nhà thụ hưởng tối đa ánh sáng tự nhiên và cảnh quan bên ngoài trong điều kiện bất lợi như hướng nhà chính tây, đón nắng quá nhiều, KTS thường sử dụng lam chắn sáng như một hình thức trang trí và còn mang tác dụng lọc nắng, hoặc trồng cây xanh bên ngoài hoặc trong nhà như một màng chắn nắng tự nhiên. Cũng có khi gia chủ chấp nhận lùi một chút trong điều kiện diện tích cho phép, để nhường chỗ cho hàng hiên rộng, và nếu có thêm cây xanh hay tiểu cảnh thì hiệu quả càng tăng lên gấp bội. Biện pháp cuối cùng khi yếu tố bất lợi mang tính bất khả kháng là sử dụng màn vải để che chắn, với ưu điểm là thủ pháp đơn giản nhanh gọn nhất và điều chỉnh được cường độ sáng linh hoạt với xu hướng sử dụng màn cửa nhiều lớp dày – mỏng như hiện nay. Về cơ bản, vật liệu để “trị” ánh sáng tự nhiên đa phần là kiếng, nhờ vào những đặc tính cơ lý phù hợp của nó. Bên cạnh đó còn có những thủ pháp nhỏ để tăng cường hay tiết chế ánh sáng tùy theo điều kiện không gian và mục đích thụ hưởng. Với những vật liệu như sàn gạch gương màu sáng bóng loáng, mặt nước, thủy tinh… sẽ mang lại cảm quan sáng hơn. Ngược lại, với những vật liệu bề mặt thô ráp, màu tối ta sẽ tưởng chừng như ánh sáng gia giảm đi. Điều đó thể hiện qua một ví dụ điển hình khi kết thúc giếng trời là một tiểu cảnh hồ nước thì rõ ràng ánh nắng khi gặp mặt nước bị phản xạ khiến ánh sáng phân tán đều khắp không gian bên dưới. Hoặc khi không gian tiếp nhận ánh sáng “dư” từ bốn bề vách kiếng, ta có thể sử dụng những gam màu trầm, tối cho vật dụng bên trong để vơi đi cảm giác “say” nắng. Tùy vào mục đích sử dụng không gian và tùy từng thời điểm chúng ta cần cường độ ánh sáng khác nhau, vì vậy nhiều giải pháp vận dụng và điều tiết ánh sáng đã ra đời để ánh sáng biến ảo lung linh trong thiết kế. Dù không thể can thiệp trực tiếp vào nguồn chiếu sáng tự nhiên nhưng với phương thức mềm dẻo cân chỉnh tại nơi tiếp nhận ánh sáng sẽ đem lại nhiều giá trị công năng và nhiều hiệu quả thẩm mỹ tuyệt vời trong kiến trúc. |